Xung quanh vấn đề về hoạt động đại diện, tư vấn pháp luật của công ty không phải loại hình công ty luật

Ngày đăng: 05/05/2021 09:16 AM

Trong hơn 24h vừa qua, các diễn đàn mạng và trang cá nhân các luật sư, sinh viên luật đang rất quan tâm việc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) TP. Hồ Chí Minh ra Công văn Số 3493/SKHĐT-ĐKKD, ngày 17/5/2019, gửi Văn phòng Chính phủ và Văn phòng UBND TP. Hồ Chí Minh về việc Sở đã đăng ký ngành nghề “Hoạt động đại diện, tư vấn pháp luật” cho một công ty không phải loại hình công ty luật. Là một người hành nghề luật sư, tôi cảm thấy cần phải có tiếng nói đóng góp cho vấn đề trên.

Theo quan điểm của tôi thì quan điểm của Sở KH&ĐT TP. Hồ Chí Minh qua Công văn số 3493 là không đúng quy định của pháp luật, tìm ẩn rủi ro cho người dân, gây biến tướng hoạt động và quản lý hoạt động hành nghề luật sư. Cụ thể như sau:

“Hoạt động đại diện, tư vấn pháp luật” đặt trong trường hợp này được hiểu là các dịch vụ pháp lý của luật sư, do đó là ngành nghề kinh doanh có điều kiện và phải hoạt động theo Luật Luật sư.

Nếu hoạt động đại diện theo ủy quyền để thực hiện một công việc, kể cả đại diện tham gia tố tụng thì người được ủy quyền chỉ cần được ủy quyền bằng văn bản hoặc ký hợp đồng với bên ủy quyền. Người nhận ủy quyền không cần đăng ký ngành nghề kinh doanh. Trong trường hợp trên “Hoạt động đại diện, tư vấn pháp luật” phải được xác định nằm trong các dịch vụ pháp lý của luật sư, căn cứ theo Điều 4 Luật Luật sư 2006 sửa đổi 2012. Và theo quy định tại Điều 1 Luật Luật sư thì hoạt đồng này phải được điều chỉnh bởi Luật Luật sư.

Hành nghề luật sư được xác định là ngành nghề kinh doanh có điều kiện và việc đăng ký hành nghề luật sư, đăng ký thành lập công ty, văn phòng luật phải được tiến hành theo Luật Luật sư.

Tại Mục 13 Điều 6 Phụ lục 4 đính kèm Luật Đầu tư thì Hành nghề luật sư được xác định là ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện.

Và theo Luật Luật sư, việc thành lập tổ chức hành nghề luật sư (Văn phòng luật sư hoặc công ty luật) được thực hiện tại Sở tư pháp tỉnh - thành phố trực thuộc Trung ương. Không phải do Sở KH&ĐT đăng ký, cấp phép.

Công văn Số 3493 của Sở KH&ĐT TP. Hồ Chí Minh có viện dẫn Công văn Số 1736/BKHĐT-ĐKKD của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc hướng dẫn việc đăng ký ngành “Hoạt động đại diện, tư vấn pháp luật không theo các hình thức hành nghề luật sư” để đăng ký ngành nghề “Hoạt động đại diện, tư vấn pháp luật” trong trường hợp này là có sự gượng ép hoàn toàn trái pháp luật. Công văn 1736 của Bộ KH&ĐT hướng dẫn nội dung trên là không có căn cứ pháp lý để xác định như thế nào là “Hoạt động đại diện, tư vấn pháp luật không theo các hình thức hành nghề luật sư”. Việc làm này dễ dẫn tới các cá nhân không có kiến thức pháp luật nhưng vẫn hành nghề như luật sư, nhưng không chịu các quy định ràng buộc như luật sư và mọi rủi ro do họ cung cấp dịch vụ pháp lý là thuộc về người dân.

Một lần nữa tôi khẳng định, căn cứ theo Điều 3 Luật Doanh nghiệp, căn cứ theo Điều 4, Điều 1 Luật Luật sư thì “hoạt động đại diện, tư vấn pháp luật” được xác định là hành nghề luật sư. Và những cá nhân, tổ chức muốn “hoạt động đại diện, tư vấn pháp luật” phải đủ điều kiện theo quy định của Luật Luật sư. Ngoài ra, không có trường hợp nào được pháp luật quy định là “Hoạt động đại diện, tư vấn pháp luật không theo các hình thức hành nghề luật sư”.

Trường hợp “Tư vấn pháp luật” mà được xem không chính thức hành nghề luật sư, thì cũng được quy định cụ thể về điều kiện thành lập “Trung tâm tư vấn pháp luật”.

Theo đó, Tư vấn pháp luật không hoạt động theo Luật Luật sư mà hoạt động theo Nghị định 77/2008/NĐ-CP, thì phải đáp ứng các quy định sau:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

Nghị định này quy định về tổ chức, hoạt động tư vấn pháp luật của tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu chuyên ngành luật (sau đây gọi chung là tổ chức chủ quản).

Hoạt động tư vấn pháp luật quy định tại Nghị định này mang tính chất xã hội, không nhằm mục đích thu lợi nhuận.

Điều 3. Hình thức tổ chức tư vấn pháp luật

Tổ chức chủ quản có đủ điều kiện theo quy định tại Điều 5 của Nghị định này được thành lập Trung tâm tư vấn pháp luật để thực hiện tư vấn pháp luật cho thành viên,hội viên, đoàn viên của tổ chức mình và cá nhân, tổ chức khác.

Điều 5. Điều kiện thành lập Trung tâm tư vấn pháp luật

1. Có ít nhất hai tư vấn viên pháp luật hoặc tư vấn viên pháp luật và một luật sư hành nghề với tư cách cá nhân làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hai luật sư hành nghề với tư cách cá nhân làm việc theo hợp đồng lao động.

2. Có trụ sở làm việc của Trung tâm.

Điều 13. Đăng ký hoạt động của Trung tâm tư vấn pháp luật

3. Trung tâm tư vấn pháp luật đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp, nơi đặt trụ sở của Trung tâm.

Như vậy, không thể có doanh nghiệp đăng ký kinh doanh “Hoạt động đại diện, tư vấn pháp luật” tại Sở KH&ĐT, mà có thể phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.

Nếu để những cá nhân không có kiến thức pháp luật lợi dụng Công văn Số 1736 của Bộ KH&ĐT để thành lập các công ty thực hiện “Hoạt động đại diện, tư vấn pháp luật” sẽ dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng trong quản lý hoạt động hành nghề luật sư, hoạt động kinh doanh và đấu tranh phòng ngừa tội phạm.

Khi những cá nhân không có kiến thức pháp luật hoặc chưa phải là luật sư nhưng lại đi tư vấn luật cho người dân, với danh xưng là thành viên của các công ty tư vấn luật sẽ để lại rủi ro rất lớn cho người dân. Bởi:

Thứ nhất, Việc hành nghề tư vấn của họ không chịu ràng buộc bởi các nguyên tắc, quy định của Luật Luật sư, Quy tắc Đạo đức và Ứng xử Nghề nghiệp Luật sư Việt Nam. Và nếu xem họ hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, thì cũng không có cơ sở nào để ràng buộc những người này đảm bảo dịch vụ tư vấn pháp lý cung cấp là chính xác, an toàn cho người dân.

Thứ hai, Những đối tượng lừa đảo sẽ lợi dụng hướng dẫn trên để mở một Công ty tư vấn luật, từ đó lợi dụng niềm tin của người dân để thực hiện hành vi lừa đảo, như: hứa hẹn thưa kiện đạt kết quả, hứa hẹn góp vốn đầu tư rồi chiếm đoạt, hứa hẹn kết quả tư vấn để thu lợi,… Những việc trên, người hành nghề luật sư không được phép làm, chịu giám sát rất lớn từ Đoàn, Liên Đoàn, Sở Tư pháp, Bộ Tư pháp và các cơ quan tư pháp, cơ quan chức năng khác.

Thứ ba, Không có khả năng tư vấn pháp lý nhưng vẫn nhận vụ việc để tư vấn có nội dung sai, trái quy định của pháp luật dẫn đến rủi ro pháp lý rất lớn cho người dân. Việc làm này nếu không được kiểm soát, thì chỉ có thể đi khắc phục hậu quả đã xảy ra.

Thứ tư, Sở KH&ĐT cấp phép ngành nghề kinh doanh “Hoạt động đại diện, tư vấn pháp luật không theo các hình thức hành nghề luật sư”, song Sở cũng không có trách nhiệm gì để quản lý ngành nghề kinh doanh này. Việc loại trừ sự điều chỉnh của Luật Luật sư để cấp phép trong trường hợp này là tạo rủi ro trong quản lý nhà nước về ngành nghề kinh doanh, cũng như rủi ro cho xã hội về chất lượng dịch vụ, tiềm ẩn nguy cơ gia tăng tội phạm lừa đảo.

Vì những lý do trên, tôi đề nghị cần xem xét lại Công văn Số 3493/SKHĐT-ĐKKD ngày 17/5/2019 của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh và Công văn Số 1736/BKHĐT-ĐKKD của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Theo đó, cơ quan chức năng phải có giải pháp đúng đắng để quản lý việc hành nghề “Hoạt động đại diện, tư vấn pháp luật”. Cần thiết phải quản lý “Hoạt động đại diện, tư vấn pháp luật” theo quy định của Luật Luật sư. Trường hợp nếu chỉ “Hoạt động tư vấn pháp luật” không vì lợi nhuận, không theo mô hình hoạt động hành nghề luật sư thì thành lập “Trung tâm tư vấn pháp luật” theo quy định tại Nghị định 77/2008/NĐ-CP.

Luật sư Trương Hồng Điền

Chia sẻ:
Bài viết khác:
Zalo
Hotline