Luật sư phân tích việc "đến ngân hàng gửi tiền, kết quả bỗng nhiên mắc nợ bởi hợp đồng bảo hiểm"

Ngày đăng: 19/09/2022 11:43 AM

Hiện nay, rất nhiều người dân phản ánh khi đến ngân hàng gửi tiết kiệm, lại "mắc nợ bởi hợp đồng bảo hiểm" vì nghe sự tư vấn của nhân viên ngân hàng. Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Trương Hồng Điền nhận định việc làm này của nhân viên Ngân hàng thương mại là không đúng quy định.

Theo điểm c khoản 2, khoản 4 và khoản 5 Điều 103 Luật Các tổ chức tín dụng 2010 sửa đổi 2017, quy định khi các Ngân hàng thương mại thực hiện hoạt động kinh doanh bảo hiểm thì phải thành lập Công ty con hoặc mua lại Công ty con, Công ty liên kết, góp vốn hoặc mua cổ phần Công ty bảo hiểm và phải được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận bằng văn bản.

Theo quy định tại Điều 196 Luật Doanh nghiệp 2020, thì các Ngân hàng thương mại là công ty mẹ có các Công ty con kinh doanh bảo hiểm sẽ chỉ chi phối, thực hiện quyền của chủ sở hữu theo quy định và các hợp đồng của Công ty mẹ, Công ty con là độc lập, bình đẳng. Công ty mẹ phải chịu trách nhiệm khi can thiệp hoạt động kinh doanh của công ty con nếu gây thiệt hại.

Do đó, việc hiện nay, các Phòng giao dịch của Ngân hàng Thương mại vừa làm nơi thực hiện chức năng nhận tiền gửi, cấp tín dụng, cho vay… theo Điều 98 Luật Các tổ chức Tín dụng 2010 sửa đổi 2017, vừa làm nơi thực hiện chức năng kinh doanh bảo hiểm là trái quy định của pháp luật. Các công ty bảo hiểm là công ty con, công ty có cổ phần của Ngân hàng thương mại, phải có địa điểm giao dịch riêng.

Việc khách hàng đến Phòng giao dịch, Chi nhánh của Ngân hàng thương mại để gửi tiền tiết kiệm, lại được nhân viên ngân hàng tư vấn thay đổi sang mua gói bảo hiểm là không phù hợp với quy định tại Điều 98 Luật Các tổ chức Tín dụng 2010 sửa đổi 2017. Đồng thời, nhân viên giao dịch của ngân hàng không thể cùng là nhân viên của công ty bảo hiểm, để có thể thực hiện hai chức năng cùng lúc tại địa điểm giao dịch của Ngân hàng thương mại.

Việc khách hàng đến gửi tiền tiết kiệm, lại được hướng đến sản phẩm bảo hiểm với tư vấn sẽ đem lại lợi ích tốt hơn, khiến khách hàng bị nhầm tưởng và không thể hiểu rõ một hợp đồng bảo hiểm nếu chỉ cần một thời gian chưa tới 1 giờ đồng hồ để đọc. Với các chuyên gia pháp luật, nếu để hiểu rõ một hợp đồng bảo hiểm, cũng cần thời gian nghiên cứu và đối chiếu với quy định của pháp luật và Bộ quy tắc, điều kiện bảo hiểm đã được công bố.

Đồng thời, việc Ngân hàng thương mại hướng dẫn khách hàng mua bảo hiểm của Công ty con, Công ty có cổ phần, phần góp vốn thuộc sở hữu là thuộc hành vi bị nghiêm cấm theo Điều 10 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2000 sửa đổi 2010. Theo đó, nghiêm cấm: can thiệp trái pháp luật vào lựa chọn doanh nghiệp bảo hiểm; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn chỉ định, yêu cầu, ép buộc, ngăn cản tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm; Thông tin, quảng cáo sai sự thật về nội dung, phạm vi hoạt động, điều kiện bảo hiểm, làm tổn hại đến quyền, lợi ích bên mua bảo hiểm.

Như vậy, đối với các trường hợp nhân viên Ngân hàng hướng dẫn và tư vấn khách hàng mua các gói bảo hiểm thay vì gửi tiết kiệm là hành vi trái pháp luật và việc đưa ra các thông tin hứa hẹn là làm khách hàng bị lừa dối trong giao dịch.

Để giải quyết vấn đề này, trước tiên Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính cần phải có văn bản chấn chỉnh việc các Ngân hàng Thương mại kinh doanh bảo hiểm theo phương thức trái pháp luật như trên. Các khách hàng đã thực hiện giao dịch mua bảo hiểm với nhân viên ngân hàng, có thể yêu cầu bên cung cấp dịch vụ bảo hiểm, ngân hàng thương mại nơi đã thực hiện giao dịch thực hiện việc hoàn trả quyền lợi. Đồng thời, có thể tố cáo sai phạm đến Thanh tra Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính. Trường hợp, các Ngân hàng thương mại và Công ty cung cấp bảo hiểm không giải quyết quyền lợi, thì người đã mua bảo hiểm tại phòng giao dịch của ngân hàng thương mại có thể khởi kiện để Tòa án tuyên hợp đồng bảo hiểm vô hiệu.

                                                                         Luật sư Trương Hồng Điền - Trưởng Văn phòng Luật sư Xuân Phú.

Nội dung tư vấn trên được trích đăng tại "Đến ngân hàng gửi tiền bỗng dưng mắc nợ bảo hiểm - Báo Phụ Nữ (phunuonline.com.vn)"

Chia sẻ:
Bài viết khác:
Zalo
Hotline