Kỳ 3:
Điều tra viên, Cán bộ điều tra, người thuộc lực lượng Công an nhân dân, có được phép gọi điện để mời người dân lên làm việc không?
Điều tra viên, Cán bộ điều tra không được gọi điện để mời người dân lên làm việc, việc mời không được thực hiên một cách tùy tiện mà phải đảm bảo đúng theo quy định pháp luật.
Theo quy định tại khoản 1.4 Điều 1 Thông tư 01/2006/TT-BCA thì: “Nghiêm cấm điều tra viên gọi điện thoại hoặc thông qua người khác để yêu cầu người được triệu tập đến làm việc mà không có giấy triệu tập hoặc giấy mời.”
Do đó Điều tra viên, cán bộ điều tra, người thuộc lực lượng công an nhân dân không được phép gọi điện để yêu cầu người dân lên làm việc, mà việc yêu cầu người dân lên làm việc phải có giấy mời.
Hiện tại, theo quy định của pháp luật không có khái niệm cụ thể về giấy mời. Giấy mời được hiểu là loại giấy thông thường được sử dụng trong những trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng (Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hay Tòa án) nói chung, mời những người có liên quan hoặc biết về vụ việc đến làm việc nhằm thu thập thông tin, làm rõ những nội dung có liên quan đến vụ việc.
Tại khoản 1.4 Điều 1 Thông tư 01/2006/TT-BCA quy định khi có giấy mời người người dân, thì Điều tra viên phải tính toán về thời gian, về việc đi lại của người được mời để tránh gây phiền hà về thời gian hoặc đi lại nhiều lần của người được mời. Nếu người được mời ở quá xa trụ sở của Cơ quan điều tra thì có thể mời họ đến trụ sở Công an nơi ở hoặc nơi làm việc của họ để lấy lời khai.
Ngoài quy định tại Điều 1 Thông tư 01/2006/TT-BCA thì hiện tại chưa có một Văn bản quy phạm pháp luật nào quy định về giấy mời. Vì không mang tính bắt buộc nên khi công dân nhận được “giấy mời” của cơ quan nhà nước nói chung và cơ quan công an nói riêng thì không bắt buộc phải có mặt theo yêu cầu. Tuy nhiên, trên tinh thần hợp tác, công dân cần có mặt để làm việc. Còn trong trường hợp không thể đến theo đúng thời gian ghi trong giấy mời, bạn cần làm giải trình gửi đến cơ quan và để nghị sắp xếp lịch làm việc khác, sắp xếp đến cơ quan theo thời gian ghi trong giấy mời để hợp tác làm rõ vụ việc, tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra.
Điều tra viên, Cán bộ điều tra, người thuộc lực lượng Công an nhân dân, Viện kiểm sát có được phép làm việc với người dân qua điện thoại không?
Điều tra viên được làm việc, lấy lời khai của người dân, tuy nhiên phải thông qua giấy triệu tập để triệu tập người cần làm việc, lấy lời khai. Không có quy định cho phép được quyền làm việc trực tiếp với người dân thông qua điện thoại.
Theo quy định tại Điều 1 Thông tư 01/2006/TT-BCA thì: “Điều tra viên được phân công thụ lý chính điều tra vụ án được ký giấy triệu tập bị can tại ngoại để hỏi cung, triệu tập và lấy lời khai người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án theo kế hoạch đã được Thủ trưởng hoặc Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra được phân công chỉ đạo điều tra vụ án duyệt”.
Căn cứ theo điểm d khoản 1 Điều 37 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Điều tra viên được triệu tập người dân để thực hiện các công việc như sau:
"1. Điều tra viên được phân công tiến hành hoạt động khởi tố, điều tra vụ án hình sự có những nhiệm vụ, quyền hạn:
d) Triệu tập và hỏi cung bị can; triệu tập và lấy lời khai người tố giác, báo tin về tội phạm, người bị tố giác, kiến nghị khởi tố, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân; lấy lời khai người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ; triệu tập và lấy lời khai của người làm chứng, bị hại, đương sự"
Như vậy, Cơ quan Điều tra, Điều tra viên không được phép làm việc qua điện thoại, muốn làm việc với người dân phải có giấy triệu tập, việc triệu tập người dân lên làm việc phải thực hiện chặt chẽ, không được thực hiện một cách tùy tiện, thực hiện nhằm mục đích thu thập thông tin, chứng cứ phục vụ cho quá trình giải quyết vụ án.
Đối với trường hợp người dân gọi điện để tố giác tội phạm hay có tin báo tội phạm, Cơ quan điều tra cũng chỉ tiếp nhận tin báo qua điện thoại rồi sẽ đến trực tiếp để xác minh, chứ không giải quyết bất kỳ vụ việc cụ thể qua điện thoại, mà khi cần thiết cơ quan điều tra sẽ có giấy mời, giấy triệu gửi đến người dân nêu rõ lý do.
Về phía Kiểm sát viên được tham gia làm việc, lấy lời khai của người dân khi rơi vào trường hợp quy định tại Điều 12 Thông tư liên tịch 04/2018/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC: trong giai đoạn điều tra, khi thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 7 Điều 165 Bộ luật Tố tụng hình sự thì Kiểm sát viên trực tiếp tiến hành hỏi cung bị can, lấy lời khai người bị tạm giữ, người bị bắt, bị hại, đương sự, người làm chứng, người chứng kiến, đối chất, thực nghiệm điều tra và các hoạt động điều tra khác theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Ngoài ra, theo quy định tại Điều 185; 186; 187; 188 BLTTHS 2015 thì việc lấy lời khai của bị hại, người làm chứng, đương sự đều cần phải có giấy triệu tập. Việc lấy lời khai được tiến hành tại nơi tiến hành điều tra, nơi cư trú, nơi làm việc hoặc nơi học tập của người đó. Việc lấy lời khai phải được lập thành biên bản.
Từ các căn cứ trên, Điều tra viên, Cơ quan Điều tra có thể làm việc với người dân thông qua việc triệu tập người đó để lấy lời khai. Khi xét thấy cần thiết cả Kiểm sát viên cũng sẽ trực tiếp tiến hành làm việc với những người liên quan đến vụ án. Tuy nhiên, Kiểm sát viên cũng phải làm việc trực tiếp thông qua giấy triệu tập, không được làm việc qua điện thoại hay tin nhắn, có biên bản làm việc, có chữ ký của Kiểm sát viên và người được mời làm việc.
Thùy Trang - Sỹ Khánh
Văn phòng Luật sư Xuân Phú