Kỳ 2:
Khi đã mắc bẫy lừa đảo do các đối tượng trên bày ra và bị mất tiền, người dân cần làm gì để được pháp luật bảo vệ?
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của Internet và mạng xã hội, việc lừa đảo qua điện thoại, mạng xã hội cũng càng diễn ra phổ biến hơn. Tuy nhiên phần lớn nạn nhân lại không biết làm gì để tố cáo kẻ lừa đảo và lấy lại tài sản. Do vậy, khi đã bị lừa, người dân cần bình tĩnh và nhanh chóng thực hiện các công việc sau:
Khi vừa mới chuyển tiền và phát hiện ra mình bị lừa người dân cần trình báo tại Cơ quan Công an nơi gần nhất để được hỗ trợ. Qua hai cách sau:
Cách 1: Tố giác qua điện thoại:
- Gọi số điện thoại trực ban hình sự 0692.348.560 của Cục cảnh sát hình sự để được hướng dẫn nhanh chóng, kịp thời.
- Gọi tới đường dây nóng Phòng an ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao 096.219.4053 của Cục Cảnh sát hình sự.
- Đối với người dân Thành phố Hồ Chí Minh, người dân có thể gọi điện thoại đến đường dây nóng 08.3864.0508 để thông tin, tin báo về lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
- Gửi cảnh báo lừa đảo mạng qua trang wed cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam: http://canhbao.ncsc.gov.vn/#!/ nhằm tuyên truyền nâng cao cảnh báo với nhiều người hơn.
Cách 2: Tố giác trực tiếp với Cơ quan Công an gần nhất.
Theo Điều 145 BLTTHS 2015 quy định “ Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố gồm:
a) Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố;
b) Cơ quan, tổ chức khác tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm”
Với quy định này, ngoài CQĐT và VKS thì cơ quan, tổ chức khác có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm có phạm vi rất rộng, bao gồm: Công an xã, phường, thị trấn; Đồn Công an, Trạm Công an; Tòa án các cấp; Cơ quan báo chí và các cơ quan, tổ chức khác.
Khi đến tố giác trực tiếp, người tố giác cần mang theo CMND, các bằng chứng liên quan đến hành vi lừa đảo, nhật ký cuộc gọi, nội dung tin nhắn, số điện thoại, tài khoản ngân hàng lừa chuyển khoản, các biên lai nộp tiền tại Ngân hàng (nếu chuyển tiền tại Ngân hàng), nhật ký giao dịch trên điện thoại, trên ứng dụng ngân hàng. Trong đó, có thể sử dụng bằng chứng là các file ghi âm, ảnh chụp, video (nếu có) … để nộp cho Cơ quan Công an.
Trường hợp gửi đơn tố giác, ngoài đơn tố giác, các giấy tờ cá nhân, cần cung cấp thêm chứng cứ kèm theo để chứng minh việc bị lừa chuyển tiền như tin nhắn, nhật ký cuộc gọi, biên lai nộp tiền, nhật ký chuyển tiền, video, hình ảnh, ghi âm (nếu có), tài liệu chứng minh việc chuyển tiền.
Trách nhiệm đặt ra với các Cơ quan chức năng trong việc phòng chống tội phạm công nghệ cao lừa đảo qua cuộc gọi, tin nhắn, các thiết bị kết nối internet.
Cơ quan có thẩm quyền cần nhanh chóng tiếp nhận và giải quyết nguồn tin tố giác tội phạm ngay khi nhận được tin báo từ người dân, nhanh chóng sử dụng các nghiệp vụ cần thiết để xem xét, điều tra các đối tượng lừa đảo. Thực hiện các biện pháp ngăn chặn kịp thời, tránh để các đối tượng có thời gian tẩu tán tài sản, xóa chứng cứ, tiếp tục thực hiện hành vi lừa đảo khác.
Đồng thời phối hợp chặt chẽ với Viện kiểm sát, Tòa án cùng cấp điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh, công khai, lưu động một số vụ điển hình, dư luận quan tâm để răn đe, phòng ngừa chung. Nâng cao trình độ về pháp luật, nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học cho lực lượng làm công tác phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao.
Cơ quan chức năng cần tuyên truyền, công khai minh bạch quy trình làm việc theo quy định pháp luật trên các phương tiện truyền thông đại chúng, nhằm giúp mọi người dân đều biết và tuân theo, nâng cao hiểu biết pháp luật, bảo vệ bản thân và gia đình, tránh bị các đối tượng xấu lợi dụng, lừa đảo.
Tập trung đề xuất, kiến nghị trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực bảo đảm an ninh, trật tự trên không gian mạng; Siết chặt quản lý đối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới (Facebook, Google...);
Tiến hành kiểm tra, rà soát và xử phạt các cá nhân tạo tài khoản Ngân hàng rồi bán lại, tạo điều kiện cho các đối tượng lừa đảo lợi dụng tài khoản Ngân hàng đó để thực hiện các thủ đoạn lừa đảo.
Cùng với đó, tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông thực hiện nghiêm túc việc quản lý đối với thuê bao di động trả trước, đẩy mạnh các giải pháp ngăn chặn và xử lý sim rác.
Ngoài ra, để có thể đối phó với các đối tượng lừa đảo công nghệ cao này các Cơ quan chức năng cần phải cải thiện, đầu tư hơn nữa về thiết bị kỹ thuật, không ngừng đối mới các phương tiện nghiệp vụ, thiết bị chuyên dụng cho lực lượng an ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong việc đối phó với loại tội phạm này.
Thùy Trang - Sỹ Khánh
Văn phòng Luật sư Xuân Phú