Vướng mắc trong việc mời Luật sư bảo vệ bị hại trong tố tụng hình sự

Ngày đăng: 09/09/2022 10:53 AM

Người thân thích hay cụ thể là chồng (vợ) của bị hại có quyền được thay mặt bị hại yêu cầu Luật sư bảo vệ cho bị hại trong vụ án hình sự không?

Căn cứ theo BLTTHS 2015:

Theo khoản 2 Điều 62 thì người đại diện của bị hại có thể thay mặt bị hại để yêu cầu Luật sư cho bị hại. Vậy những người thân thích với bị hại có được quyền yêu cầu Luật sư bảo vệ thay cho bị hại không?

Theo quy định tại Điều 84 thì Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại khi chính bị hại có yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình. Như vậy, theo BLTTHS 2015 chỉ quy định Luật sư được tham gia bảo vệ cho bị hại khi có yêu cầu của chính bị hại, BLTTHS không quy định cho phép người thân thích của bị hại được thay mặt yêu cầu Luật sư bảo vệ cho bị hại.

Trong khi đó, BLTTHS 2015 lại quy định tại Điều 75 cho phép người bào chữa có thể do người đại diện hoặc người thân thích của người bị buộc tội yêu cầu. Như vậy có nghĩa là người bào chữa không bắt buộc phải do chính người bị buộc tội yêu cầu. BLTTHS 2015 cũng có quy định về thủ tục đăng ký người bào chữa tại Điều 78 nhưng lại không có quy định nào về thủ tục đăng ký người bảo vệ cho bị hại.

Theo bài viết của tác giả Đinh Thị Thùy (Toà án nhân dân huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai) đăng trên Tạp chí Tòa án Nhân dân ngày 26/01/2022 nhận định rằng BLTTHS 2015 còn nhiều bất cập liên quan đến việc yêu cầu người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại. Tác giả cho rằng BLTTHS 2015 chưa quy định về thủ tục đăng ký tham gia tố tụng với tư cách người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự dẫn đến thiếu thống nhất trong việc áp dụng pháp luật. Tác giả Đinh Thị Thùy kiến nghị cho rằng cần bổ sung tại Điều 84 BLTTHS năm 2015 theo hướng bổ sung khoản 5 quy định về thủ tục đăng ký tham gia tố tụng với tư cách người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự như việc đăng ký người bào chữa.

Như vậy có thể thấy rằng quy định của BLTTHS 2015 là chưa đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại, người trực tiếp bị xâm phạm quyền lợi bởi hành vi vi phạm pháp luật.

Căn cứ theo quy định Thông tư 46/2019/TT-BCA:

Tại Thông tư 46/2019/TT-BCA đã có quy định về thủ tục đăng ký Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại. Theo đó tại Điều 9 quy định: “Luật sư xuất trình Thẻ luật sư kèm theo bản sao có chứng thực và giấy nhờ Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại”.

Có thể thấy, Thông tư 46/2019/TT-BCA đã quy định cụ thể thủ tục đăng ký người bảo vệ quyền và lợi ích cho bị hại, tuy nhiên, đây là hướng dẫn có phạm vi áp dụng trong lực lượng Công an nhân dân, không phải thông tư liên ngành điều chỉnh hoạt động của tất cả các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Ngoài ra Thông tư chỉ đề cập đến việc Luật sư cung cấp giấy yêu cầu Luật sư do chính bị hại yêu cầu khi đăng ký bảo vệ bị hại. Thông tư này không quy định về việc người thân thích có được yêu cầu Luật sư thay cho bị hại hay không. Như vậy, vấn đề người thân thích của bị hại có quyền được yêu cầu Luật sư thay bị hại hay không vẫn không được đề cập đến.

Căn cứ BLDS 2015 và Luật hôn nhân gia đình 2014:

Theo khoản 2 điều 62 BLTTHS 2015 thì người đại diện có quyền yêu cầu Luật sư thay cho bị hại. Vậy điều kiện để người chồng (vợ) có thể là người đại diện cho bị hại là:

Theo quy định tại Điều 135 BLDS 2015 và Điều 24 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 đều có quy định rằng vợ chồng đại diện cho nhau trong các trường hợp:

Đại diện theo ủy quyền: Việc đại diện cho nhau giữa hai vợ chồng thực hiện bằng hình thức đại diện theo ủy quyền, được xác lập trên cơ sở sự ủy quyền giữa người đại diện là vợ (chồng) và người được đại diện là chồng (vợ). Việc ủy quyền này phải được lập thành văn bản, trong đó, nêu rõ phạm vi đại diện, những giao dịch được xác lập, thực hiện. Người đại diện chỉ được thực hiện giao dịch dân sự trong phạm vi đại diện ghi trong văn bản.

Đại diện theo pháp luật: Trong trường hợp một bên mất năng lực hành vi dân sự mà bên kia có đủ điều kiện làm người giám hộ hoặc khi một bên bị hạn chế năng lực hành vi dân sự mà bên kia được Tòa án chỉ định người đại diện theo pháp luật cho người đó, trừ trường hợp theo quy định của pháp luật thì người đó phải tự mình thực hiện quyền, nghĩa vụ có liên quan.

Như vậy, để có thể trở thành người đại diện của bị hại thì người chồng (vợ) cần đáp ứng một trong các điều kiện đã nêu ở trên. Khi đã trở thành người đại diện hợp pháp cho bị hại thì người chồng (vợ) có thể thay mặt bị hại  để yêu cầu Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại theo quy định tại Điều 62 BLTTHS 2015.

Từ các căn cứ pháp luật đã nêu ở trên cho thấy, theo pháp luật hiện hành chưa quy định về việc người thân thích của bị hại nói chung hay chồng (vợ) của bị hại nói riêng có thể thay mặt yêu cầu Luật sư cho bị hại. Để có thể thay mặt bị hại yêu cầu Luật sư thì người thân thích hoặc chồng (vợ) của bị hại cần trở thành người đại diện hợp pháp cho bị hại theo quy định của pháp luật.

Vậy với trường hợp cụ thể, khi người vợ bị hành hung gây thương tích nặng phải nằm viện, thì theo pháp luật hiện hành người vợ muốn yêu cầu Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình thì phải:

- Người vợ trực tiếp gặp và ký đơn yêu cầu Luật sư bảo vệ.

- Người vợ có thể ủy quyền cho người khác làm người đại diện theo ủy quyền để thay mặt yêu cầu Luật sư bảo vệ cho mình.

- Trường hợp người vợ bị mất năng lực hành vi dân sự thì người chồng có thể yêu cầu Tòa án tuyên vợ bị mất năng lực hành vi dân sự. Khi đó người chồng sẽ đương nhiên trở thành người đại diện theo pháp luật của người vợ và có quyền thay mặt vợ mình để yêu cầu Luật sư bảo vệ.

Như vậy là không đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp cho người vợ, nếu trường hợp người vợ vẫn phải nằm viện nhưng vẫn chưa đến mức mất năng lực hành vi dân sự, và cũng chưa làm giấy ủy quyền cho người khác thì coi như người vợ không có thể thực hiện được quyền yêu cầu Luật sư bảo vệ cho mình.

Việc pháp luật hiện tại không quy định việc người thân thích của bị hại hoặc cụ thể hơn là chồng (vợ) của bị hại có thể thay mặt yêu cầu Luật sư bảo vệ cho bị hại là không đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại. Trên thực tế, vẫn thường xảy ra vấn đề là người bị hại phải nằm viện hay vì một lý do khách quan nào đó không thể tự mình đến tìm gặp và nhờ Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình, trong trường hợp này pháp luật nên linh hoạt, bổ sung quy định như khi yêu cầu Luật sư bào chữa, có nghĩa là cho phép người thân thích bị hại cũng có thể thay mặt yêu cầu Luật sư cho bị hại.

Trên đây là quan điểm về vấn đề còn vướng mắc trong việc yêu cầu Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại trong vụ án hình sự theo pháp luật hiện hành. Quý khách hàng nếu có nhu cầu mời Luật sư đồng hành trong vụ án hình sự, vui lòng liên hệ với Văn phòng Luật sư Xuân Phú để được tư vấn và hỗ trợ.

Trân trọng!

                                                           Hồ Sỹ Khánh - Văn phòng Luật sư Xuân Phú.

Chia sẻ:
Bài viết khác:
Zalo
Hotline