Hiện nay, việc các đối tượng giả danh Cơ quan Công an, Viện Kiểm sát để gọi điện cho người dân xuất hiện ngày càng nhiều. Các đối tượng này thông báo cho chủ thuê bao rằng, họ có liên quan đến một vụ án hình sự, và yêu cầu họ cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng hoặc chuyển tiền để Cơ quan Công an tiến hành điều tra, xác minh nhằm đảm bảo cho họ không bị bắt tạm giam.
Kỳ 1:
Vì sao người dân lại dễ mắc bẫy với các chiêu trò trên?
Thứ nhất, các đối tượng lừa đảo công nghệ cao có thủ đoạn ngày càng tinh vi, quy mô rộng, khó phát hiện ra sơ hở.
Việc các đối tượng giả danh Công an để gọi điện lừa đảo không phải là mới xuất lần đầu, nhưng với việc ngày càng phát triển đột phá về công nghệ khiến cho các chiêu trò lừa đảo này ngày càng trở nên tinh vi, khó phát hiện.
Đầu tiên, các đối tượng lừa đảo sẽ thu thập thông tin cá nhân của người dân như: họ và tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi ở, công việc, số điện thoại, số CCCD… Các thông tin cá nhân này thường bị lộ khi người dân đi mua hàng, điền vào các phiếu mua sắm, phiếu bốc thăm trúng thưởng, làm các thủ tục liên quan đến bản khai cá nhân như: vay ngân hàng, gửi bưu điện hoặc đăng ký số điện thoại, mua sắm trực tuyến, đăng ký tài khoản ứng dụng hoặc khi người dân đăng nhập vào các đường link lạ trên internet mà có yêu cầu đăng nhập thông tin cá nhân mới xem được.
Chúng sử dụng công nghệ cao, ẩn danh dưới số điện thoại lạ hoặc có đầu số giống số điện thoại công khai của cơ quan Công an, Viện Kiểm sát để gọi điện cho bị hại, tự xưng là Công an, Cán bộ điều tra, Kiểm sát viên thông báo họ đang liên quan đến một vụ án, chuyên án mà Cơ quan Công an đang điều tra, xác minh, đã có lệnh bắt của Viện Kiểm sát nhân dân...; yêu cầu bị hại kê khai tài sản, số tiền mặt hiện có và số tiền gửi trong các tài khoản ngân hàng. Sau đó, các đối tượng dùng lời lẽ đe dọa sẽ bắt tạm giam nạn nhân để điều tra và yêu cầu họ chuyển tiền hoặc đọc mã OTP để chúng thực hiện việc chuyển tiền vào các tài khoản của chúng, với vỏ bọc để xác minh, điều tra.
Để thêm phần thuyết phục và đe dọa được người dân, ngoài cung cấp đúng các thông tin cá nhân của người dân, bọn chúng còn làm giả Quyết định bắt tạm giam của Viện kiểm sát và gửi qua các ứng dụng mạng xã hội thông dụng như Zalo hay Messenger.
Với màn kịch hoàn hảo và vô cùng đầu tư, các đối tượng này đã thực hiện hàng loạt các phi vụ lừa đảo trót lọt, với số tiền mà bọn chúng lừa được trong một vụ có thể lên tới tiền tỷ.
Thứ hai, từ phía người bị hại:
Khi nhận được cuộc gọi tự xưng Công an, Kiểm sát viên và đọc đúng tên, năm sinh, nơi ở, công việc…của mình, thì người dân tin tưởng và cho rằng chỉ có Cơ quan nhà nước mới có được thông tin chính xác như vậy.
Khi các đối tượng lừa đảo thông báo người dân, họ có liên quan đến vụ án hình sự, mặc dù biết rằng bản thân không làm gì phạm pháp, nhưng khi nhận được Quyết định bắt tạm giam có dấu mộc đỏ (giả) của Viện Kiểm sát qua Zalo, Facebook, người dân bắt đầu thấy hoang mang. Các đối tượng lừa đảo sẽ tỏ ra đồng cảm với người dân, cho rằng rất có thể có đối tượng nào đó mạo danh bị hại, để thực hiện hành vi phạm pháp, do vậy người dân cần cung cấp tất cả thông tin như tài khoản ngân hàng, mã OPT hoặc chuyển tiền vào số tài khoản lạ để Cơ quan điều tra tiến hành xác minh, điều tra vụ việc. Nếu người dân không phối hợp làm theo hướng dẫn, sẽ tiến hành bắt tạm giam. Cùng lời hứa sau một khoảng thời gian nhất định, nếu xác minh người dân không có hành vi phạm tội, sẽ gửi trả lại số tiền trên. Các đối tượng yêu cầu bị hại, không được kể câu chuyện vừa trao đổi cho bất kỳ ai, mục đích nhằm để nạn nhân không có đủ thời gian để kiểm tra thông tin, không trình báo cho cơ quan Công an được biết. Do đó, mặc dù nhiều bị hại không có sai phạm, nhưng trước những lời đe dọa, thúc giục của các đối tượng dẫn đến lo lắng và không đủ tỉnh táo để nhận biết sự việc bị lừa đảo.
Người dân phần lần lớn là thiếu sự hiểu biết về pháp luật, nên khi nghe dọa sẽ bắt tạm giam, nghe đến Công an, Cơ quan điều tra thì hầu hết mọi người đều chọn cách chuyển tiền và mong muốn có thể giải quyết nhanh chóng qua điện thoại, hơn là phải trình diện, ngại va chạm với Cơ quan Công an, các cơ quan pháp luật.
Mặc khác, sau khi thu thập được các thông tin cá nhân của người dân, đối tượng mà bọn lừa đảo này nhắm đến thường là những người có đặc thù công việc ít được tiếp xúc pháp luật, chưa có nhiều hiểu biết về pháp luật, không biết đến phương thức lừa đảo tinh vi này. Ngoài ra, bọn chúng thường nhắm đến các đối tượng là phụ nữ, hoặc người cao tuổi, những người có tâm lý yếu, dễ mất bình tỉnh và nhẹ dạ cả tin.
Vậy khi nhận được các cuộc gọi tự xưng là Công an và yêu cầu thực hiện công việc theo hướng dẫn thì người dân cần xử lý như thế nào?
Khi có cuộc gọi đến tự xưng là Công an, Cán bộ điều tra thì người dân cần:
- Người dân phải hết sức cảnh giác, thận trọng, bình tĩnh khi có cuộc gọi tự xưng là Công an, thông báo liên quan đến vụ án hình sự, dứt khoác từ chối làm việc qua điện thoại. Yêu cầu những người tự xưng Công an, Kiểm sát viên gửi giấy triệu tập, giấy mời làm việc trực tiếp đến cho mình.
- Không tùy tiện cung cấp thông tin cá nhân như số điện thoại người thân, địa chỉ nhà, tài khoản ngân hàng, thẻ ngân hàng, mã OTP …khi bị yêu cầu.
- Tuyệt đối không làm theo hướng dẫn, thực hiện chuyển tiền bằng bất kỳ hình thức nào vào các số tài khoản được chỉ định.
- Trường hợp nghi ngờ có dấu hiệu lừa đảo, nên đến trình báo ở Cơ quan Công an gần nhất để phối hợp truy bắt các nhóm đối tượng lừa đảo. Tuyên truyền cảnh giác đến người thân, gia đình, đề cao cảnh giác.
- Thường xuyên thay đổi mật khẩu của các ứng dụng cá nhân để tránh bị lộ thông tin, khiến cho các đối tượng xấu có cơ hội lợi dụng.
- Thường xuyên theo dõi, cập nhật các thông tin trên các phương tiện truyền thông đại chúng để nâng cao hiểu biết.
Thùy Trang - Sỹ Khánh
Văn phòng Luật sư Xuân Phú